TTO - “Tại sao những người qua đời trong bệnh viện hay tai nạn giao thông lại gọi là “tử vong” mà không phải là “qua đời, mất”? Tại sao lại gọi là “cận nghèo, tái nghèo, tái lập mặt đường”?...”
Đó là một trong nhiều dẫn chứng cho sự tùy tiện của tiếng Việt được nhắc tới tại hội thảo khoa học Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng diễn ra ngày 5-11 tại Hà Nội.
Hội thảo được Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp cùng Hội ngôn ngữ học VN và Hội nhà báo VN tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào "Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt" (1966-2016).
Nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết đây có thể coi là hội nghị toàn quốc lần thứ ba bàn về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (hai lần trước năm 1966 và 1979) với gần 250 tham luận của các nhà khoa học, nhà báo…
“Những năm gần đây có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí được dư luận quan tâm, lo lắng. Đó là việc dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, cẩu thả, cách đặt tiêu đề, “rút tít” thiếu cân nhắc, sai thực tế, thậm chí giật gân, câu khách, thiếu sự đổi mới trong thể hiện văn phong báo chí, sử dụng tiếng nước ngoài thiếu chọn lọc, thiếu nhất quán, chuộng ngoại, sính chữ” - ông Nguyễn Thế Kỷ đặt vấn đề trong phát biểu khai mạc hội thảo.
“Có một thực tế hiện nay là ngoài xã hội, trên các diễn đàn, trong các tài liệu báo cáo, kể cả các tài liệu báo cáo chính thức, trên các ấn phẩm thông tin đại chúng và trong sách giáo khoa đang ngày càng có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực khi sử dụng tiếng Việt" |
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định đây là hội thảo quan trọng và việc giữ gìn tiếng Việt là nhiệm vụ của mỗi người VN, đặc biệt là các nhà báo, nhà văn, nhà giáo.
“Có một thực tế hiện nay là ngoài xã hội, trên các diễn đàn, trong các tài liệu báo cáo, kể cả các tài liệu báo cáo chính thức, trên các ấn phẩm thông tin đại chúng và trong sách giáo khoa đang ngày càng có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực khi sử dụng tiếng Việt, quá dễ dãi trong phát triển và làm mới tiếng Việt. Rất dễ thấy là hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ, cách nói từ tiếng nước ngoài trong tiếng Việt…” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lo ngại.
Phó thủ tướng cho rằng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải đi đôi với phát triển và tiếp thu thành tựu của văn minh nhân loại. Tuy nhiên, việc tiếp thu phải có chọn lọc để không để làm mất sự trong sáng của tiếng Việt.
Rà soát việc dùng tiếng Việt trong các văn bản Nhà nước
Nhà báo Phan Quang nêu nhận định: “Nếu không có giải pháp phòng ngừa, hạn chế, khắc phục kịp thời thì hiểm hoạ đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt là nhãn tiền”.
Ông kiến nghị, trước tiên cần phải rà soát việc dùng tiếng Việt trong các văn bản lập pháp, hành pháp của các cơ quan công quyền, tổ chức chính trị xã hội… Bởi những khiếm khuyết về việc sử dụng ngôn ngữ, cấu trúc câu văn trong các văn bản thuộc hệ thống công quyền, tư pháp, dịch vụ…sẽ nhanh chóng phổ cập vì nhiều người sẽ hiểu đó là ngôn ngữ chính thống.
“Tại sao những người qua đời trong bệnh viện hay tai nạn giao thông lại gọi là “tử vong”, chứ không phải là “qua đời, mất”? Tại sao lại là “tái trồng” chứ không phải là “trồng lại cây”? Tại sao lại gọi là “cận nghèo, tái nghèo, tái lấp mặt đường”?...” - nhà báo Phan Quang nêu hàng loạt dẫn chứng.
Giải pháp mà nhà báo Phan Quang đưa ra là cần có một cuộc vận động mang tính quần chúng để thuyết phục mọi người dùng tiếng Việt đúng cách, làm giàu tiếng Việt đúng hướng. Đồng thời, ông cho rằng Quốc hội cần thiết phải ban hành Luật ngôn ngữ.
V.V.Tuân
...................
Thực ra ngày xưa, ông cha ta thoát ra từ nền nho học, nơi các từ ngữ hán việt trong các thông dụ, văn chương thi phú được dùng đắc địa, cẩn trọng và sáng tạo. Sau đó, các khoa hán học vẫn được tôn trọng nên báo viết sử dung hán việt rất thâm thúy. Sau này, khi chúng ta đã quên nho học, đã bỏ từ hán việt, chạy theo văn hóa phương Tây và sính Anh văn thì tức nhiên hán việt chệch choạc và sai nghĩa, khiến các người viết chuyên nghiệp cũng sử dung bừa bãi vì nông cạn. Chứ nhìn ngược lịch sử, ông cha ta không dùng từ hán việt thì làm sao diễn tả hết cái hay của đời sống. Từ thuần việt không đủ nghĩa và toát ra cái thâm thúy sâu xa nối kết với các điển tích. Tốt nhất vẫn phải dung cả hai, miễn là dùng cho đúng, cùng một nghĩa, nhưng khi nào cần dùng thuần việt, khi nào dùng hán việt.
...........................
Không phải cứ dùng từ Hán Việt là sang chảnh, dùng từ thuần Việt là yêu nước. Cũng phải tùy trường hợp, có những từ ngữ không thể dùng từ thuần Việt được và ngược lại. Gọi là thủy quân được nhưng không xài lính nước được. Cũng có những từ nếu dùng tiếng Việt sẽ không bao hàm hết ý nghĩa của nó, ví dụ: marketing, ... Tiếng Việt cần phải có quy chuẩn ở mọi tầng lớp, đặc biệt là báo chí và hàng năm phải cập nhật từ mới.
.......................
Nhiều khi đọc báo thấy mấy chữ "thả rong", "dậy sóng dân mạng", ... các loại từ và ngữ mới. Nhưng giật mình nhất là các chữ bị biến đổi ý nghĩa ... ví dụ "Viên Mãn" là chỉ các phụ nữ có ngực to "Ms X có bộ ngực viên mãn" hoặc "Ms Viên Mãn"... đọc riết rồi rối cả đầu. Ước gì tiếng Việt như 20 năm báo giấy trước đây!
........................
Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất mà cứ đọc là "sổ đỏ". Ai cũng biết "sổ" là một vật dụng để ghi chép, còn "giấy chứng nhận" là văn bản mà người sử dụng không được quyền ghi chép trong đó, nếu không nó sẽ mất giá trị pháp lí. Không hiểu sao mà một số BTV vẫn vô tư sử dụng cụm từ "sổ đỏ".
.................
Tại sao viết từ Trung Ương mà lại viết tắt TW?
..................
Còn rất nhiều lỗi mà cơ quan nhà nước, báo chí mắc phải như: "Được công nhận hộ nghèo, xã nghèo"; "Nhà nước bồi thường thiệt hại do dịch bệnh...,"; "Tặng quà cho nhân dân vùng lũ"; "Chia vui..." v.v... Nếu chuẩn nghèo là thành tích - Thì được công nhận là đúng; Nếu dịch bệnh do nhà nước gây ra thì bồi thường là đúng; Nếu lũ lụt là một sự kiện vui thì tặng quà là đúng; Người ta thường dùng chia buồn (chia sẻ) và chung vui (không ai chia vui)... Do đó, hơn ai hết, báo chí, cơ quan nhà nước phải chuẩn trước!
...................
Báo chí chính thống bây giờ cũng lấy từ ngữ từ mạng xã hội một cách quá dễ dãi, tôi dị ứng nhất với từ "tự sướng" lấy từ tiếng Anh "Selfie", tại sao báo chí lại có thể dùng từ một các bừa bãi vậy???!!!
....................
Hãy mạnh dạn thay đổi rồi sẽ quen, sẽ hiểu thôi. Mấy mươi năm nghe từ: "Trung Tâm Nghe Nhìn" (Thính Thị chuyển được nhưng Trung Tâm thì chưa ). Sự vay mượn và cóp nhặt từ ngữ hằng bao nghìn năm qua để hình thành cái ý nghĩa của nó. Có chân chất, mộc mạc cũng là của riêng ta. Mong lắm thay.
...................
Nói đến việc dùng từ ngữ hiện nay thì chán lắm, kể cả báo, đài, văn bản của cơ quan Nhà nước; thí dụ: "đồng ĐôLa, đồng Yên". Tại sao dùng từ như thế chứ. Đây là đơn vị tiền tệ của mỗi quốc gia: Mỹ là Đôla, Nhật là Yên, Việt Nam là Đồng...vậy "đồng đô la" là đơn vị tiền tệ của nước nào, "đồng yên" là của nước nào vậy...?
..................
["Hôm nay tôi đi học" ông Thanh Tịnh nói]. Viết kiểu nầy là một thảm họa từ khi tiếng Mỹ bắt đầu được bắt chước một các thô kệch và ngu xuẫn ở VN. Tôi hoàn toàn không hiểu được tại sao không viết: [Ông Thanh Tịnh nói "Hôm nay tôi đi học"] ???
..................
Viện Ngôn Ngữ đã tồn tại bao nhiêu năm nay mà không thực hiện được một công trình chuẩn hóa tiếng Việt sao?
.................
Khỏi nói đến việc dùng tiếng việt đúng chính tả. Bản thân mình là 8x. Mà khi nhắn tin nói chuyện với 9x, 10x.... Các em sử dụng từ ngữ sao đó. Nhắn tin không hiểu. Rồi mai mốt còn nhớ tiếng việt đúng gốc không nữa.
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20161105/tieng-viet-dang-bi-su-dung-de-dai/1214233.html
No comments:
Post a Comment