"Nước Việt có ba miền Bắc, Trung, Nam. Song phương ngữ có trên 30. Chẳng những có 3 phương ngữ chính ở 3 miền mà trong mỗi miền cũng có rất nhiều phương ngữ. Chúng tôi xin giới thiệu một số mẩu chuyện vui nhưng qua đó hiểu thêm về phương ngữ Việt.
1/ Năm 2004, tôi đi Hà Nội công tác về tập huấn thí điểm thay sách giáo khoa cấp THPT. Lần đầu tiên ra Hà Nội, cái gì cũng lạ, cái gì cũng đẹp. Nhưng có một điều là rất khó tìm được một quán cà phê như ở Nam bộ.
Tôi cùng thằng bạn đi dạo Hà Nội, khát nước quá mà không tìm được quán giải khát nào. Thấy bên đường có quán bia hơi lạnh, mừng quá hai thằng mới ghé vào định làm vài cốc bia cho đỡ khát. Chọn chỗ ngồi xong xuôi, một em gái bước ra hỏi : “ Dạ, hai anh dùng mấy vại à ?”. Tôi là người Nam bộ, cái vại trong Nam bộ giống như cái bình hoa, đáy bầu, hình cong miệng tròn, nghĩ rằng: hai đứa mà uống hết một vại thì cũng quá đã rồi. Tôi liền nhanh miệng: "Em cho hai anh một vại". Em gái đứng chần chừ: "Dạ, một vại làm sao uống được ạ?".
Đến lượt thằng bạn tôi: "Thì em cứ đem ra đi, uống hết tụi anh gọi nữa!". Cô gái miễn cưỡng bước vào trong đem ra một ly bia. Hai chúng tôi hết sức bất ngờ, thì ra trong Nam bộ gọi là ly thì ở Hà Nội gọi là vại. Tại hai đứa tôi không chịu tìm hiểu phương ngữ Hà Nội nên có một sự không đồng nhất này.
Cũng lần đó, khi ăn cơm ở căngtin khách sạn La Thành, chúng tôi xin một cái muỗng. Một bạn phục vụ đem ra một cái vá (loại muỗng lớn dùng để múc canh ở nồi ra tô). Trong khi ý định của chúng tôi là xin một cái muỗng nhỏ múc canh ở tô nhưng lại quên mất tại miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng gọi cái muỗng nhỏ là cái thìa.
2/ Có một đôi tình nhân đi hỏa xa từ Quảng Bình vào TP.HCM. Đến ga Đà Nẵng, cô gái bất chợt hỏi chàng trai: “Ge ni ge mô ri eng ?”. Thoạt nghe qua giống như cô ta hỏi chàng trai bằng một câu tiếng Pháp. Nhưng quả thật lúc đó tôi cũng không biết rõ ở miền Trung một số nơi đọc trại chữ a thành chữ e, thành ra nghĩ lại câu nói ấy là: Ga này, ga nào, hả anh? Cô gái là người Quảng Bình, chữ ge là đọc trại của chữ ga, chữ ni có nghĩa là này, chữ mô có nghĩa là nào, chữ ri có nghĩa là hả, chữ eng do đọc trại từ chữ anh.
3/ Ở Nam bộ, phương ngữ được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt hằng ngày nhất là cách xưng hô. Người sinh ra ông bà nội, ngoại cũng không thống nhất cách gọi. Ở Lai Vung, Đồng Tháp gọi là ông bà cóc, tại Cai Lậy, Tiền Giang gọi là ông bà cố, nhưng ở Châu Phú, An Giang lại gọi là ông bà cồ.
Trong gia đình, người con gái sinh ra trước có nơi gọi là chị nhưng cũng có nơi theo người Hoa gọi là chế. Gọi chế thay chị, các vùng ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau gọi nhiều. Có lẽ, những vùng này người Hoa và người Kinh sinh sống chung nên lâu dần bị ảnh hưởng và giao lưu qua lại.
Những từ chỉ các hoạt động khác cũng xuất hiện phương ngữ. Từ “phượng” có nơi gọi là phụng nhưng cũng có nơi gọi là phượng. Chẳng hạn, nói: “Loan phụng hòa minh sắc cầm hảo hiệp”. Ý chỉ đôi vợ chồng đẹp đôi, sống hạnh phúc. Nhưng câu này có nơi lại đọc thành: “Loan phượng hòa minh sắc cầm hảo hiệp”. Từ “phụng” lại được đọc thành từ phượng, ý nghĩa câu sau vẫn giống như câu đầu.
Còn nhiều cách gọi khác khi dụng từ này như: chim phượng hoàng, chim phụng hoàng, điệu phụng hoàng hay điệu phượng hoàng trong cải lương… cách dùng nào cũng được. Tuy nhiên, có những lúc lại không dùng được như: cây phượng thì không ai gọi là cây phụng bao giờ, một ai đó tên Phụng thì không thể gọi là Phượng được…
Từ “hiệp” tương đương nghĩa từ hợp, có lúc dùng trong hai từ ghép khác nhau cùng nghĩa nhưng lại có lúc không thể thay thế cho nhau được. Có thể nói: Hòa hiệp thay thế cho hòa hợp được, hay hảo hiệp được thay thế bằng hảo hợp trong “Loan phượng hòa minh sắc cầm hảo hợp” ý nghĩa vẫn thế, “hợp long cầu” thay thế cho “hiệp long cầu”… nhưng tuyệt đối không thể thay thế địa danh Phụng Hiệp thành Phụng Hợp được. Hoặc có khi nói “ Hai đứa tụi nó hợp tính, hợp nết quá” mà ít nói “ Hai đứa tụi nó hiệp tính, hiệp nết quá”.
Từ “điều” là cách gọi ở miền Bắc nhưng khi vào miền Nam thì gọi là “đào”. Từ đó, cây điều hoặc cây đào có thể thay thế cho nhau ở hai miền được như: điều lộn hột, đào lộn hột đều có nghĩa như nhau.
Ngày xưa, ở Trung Quốc có tích vua Triệu Khuôn Dẫn nghe lời sàm tấu trảm oan Trịnh Ân, khi đó nữ soái Điều Tam Xuân là vợ của Trịnh Ân vó ngựa trở về xử tội sàm thần và kể tội nhà vua. Nhà vua hiểu chuyện xin lỗi nữ soái, chuộc lỗi bằng cách truy phong công thần cho Trịnh Ân và miễn thuế cho dân. Nước ta dựng lại tích này bằng vở hát bội có tên là Điều Tam Xuân nhưng cũng có lúc đọc là Đào Tam Xuân vẫn chấp nhận được. Tuy nhiên, khi nói “điều ấy” thì không bao giờ thay thế bởi từ “đào ấy” được!
Từ “heo” là từ trong Nam bộ gọi, miền Bắc gọi là “lợn”. Nhưng ở miền Nam lại xuất hiện từ “bánh da lợn” mà không gọi là “bánh da heo”. Đặc biệt, ở miền Nam có từ “bánh lỗ tai heo” chứ không gọi là “bánh lỗ tai lợn”. Đây thật sự là một cách gọi khó hiểu nguyên nhân. Có thể đó là cách gọi cho có âm điệu bằng trắc dễ gọi, dễ nghe: bánh da lợn (một bằng giữa hai trắc), bánh lỗ tai heo (hai trắc - hai bằng) thay vì dùng cụm từ “bánh lỗ tai lợn” hoặc “bánh da heo” nghe hơi choải choải làm sao ấy!
Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20151030/mc-thoi-su-vtv-giong-chuan-la-phai-phat-am-dung-tieng-viet/993742.html
LÊ VĂN DŨNG (Trường THPT Trần Ngọc Hoằng, xã Thới Hưng, Cờ Đỏ, TP Cần Thơ)
You may also like: "“Qua”, “bậu” - dấu ấn lưu dân"
You may also like: "“Qua”, “bậu” - dấu ấn lưu dân"
No comments:
Post a Comment