TS. Nguyễn Văn Nở
1. Từ “xài” là từ địa phương Nam bộ. Hiện nay, từ này đã trở nên thông dụng và được dùng không chỉ trong giao tiếp khẩu ngữ ở Nam bộ mà còn được vận dụng trong nhiều hoàn cảnh giao tiếp khác nhau.
Từ “xài” có nghĩa gì?
“Sổ tay phương ngữ Nam bộ” có định nghĩa như sau:
a/ Xài: Tiêu. Xài tiền, ăn xài.
b/ .Dùng. Loại máy này xài rất bền. Xài hàng trong nước
“Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên (1995) cũng có cách giải thích tương tự: “xài” Tiêu dùng. Hết tiền xài. Xài điện lãng phí; “xài phí”: đg.(ph). Tiêu
dùng phung phí”
Như vậy, từ “xài” vừa có nét nghĩa của từ “tiêu”, vừa mang nét nghĩa của từ “dùng”.
Nhưng từ “dùng” và từ “tiêu” có nghĩa như thế nào? “Từ điển tiếng Việt” (1995) giải thích như sau:
“Tiêu: Dùng tiền vào việc mua sắm. Đi phố tiêu hết cả tiền. Tiền tiêu vặt”
“Dùng”: lấy làm vật liệu, phương tiện để nhằm tạo ra cái gì, thực hiện việc gì. Dùng gỗ đóng bàn ghế. Loại xe dùng để chở khách. Biết dùng người. Dùng mưu kế.”
Vậy, “tiêu”, “dùng” không phải là hai từ đồng nghĩa nhưng hai từ này lại đồng nghĩa với “xài”.
2. Khảo sát một vài từ ghép có chứa các hình vị “tiêu”, “dùng”, “xài” chúng ta thấy: “tiêu” có kết hợp với “dùng” để tạo ra từ ghép hợp nghĩa “tiêu dùng”; “tiêu” cũng có kết hợp với “xài” để có từ ghép hợp nghĩa “tiêu xài” nhưng “dùng” lại không kết hợp với “xài” để tạo thành từ ghép “dùng xài” hoặc “xài dùng” (!). “Dùng” và “xài” đồng nghĩa với nhau nhưng “tiêu dùng” lại không đồng nghĩa với “tiêu xài”. Hai từ này đã được “Từ điển tiếng Việt” (1995) giải thích như sau: “tiêu dùng”: sử dụng của cải vật chất để thoả mãn các nhu cầu của sản xuất và đời sống. Tiêu dùng cho sản xuất. Quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng. Hàng tiêu dùng”. ;
“Tiêu xài”: tiêu pha một cách rộng rãi. Tiêu xài hoang phí [7]. Tuy nhiên, cách giải thích từ “tiêu xài” có gì đó không ổn. Không ổn ở chỗ giải thích như thế hoá ra hình vị “xài” có hàm nghĩa chi tiêu một cách rộng rãi. Mà tiêu pha một cách rộng rãi chưa hẳn đã đồng nghĩa với việc “tiêu xài hoang phí”. Để biểu đạt nét nghĩa này, người Nam bộ có một số từ ngữ như: Xài sang, xài lớn, xài to, xài đậm, xài quạu... Ví dụ:
- “Ông bà chủ làm thinh, thâm tâm họ đang làm cái việc chọn lựa giữa vị khách hàng tuần thanh lịch này với đám già thất thường nhưng xài đậm ngoài kia”. (Dạ Ngân- Nhìn từ phía khác)
- “ Vì tin rằng trước sau gì cũng cực khổ mang nợ mà không bao giờ trả nổi, nên nhiều người dám ăn xài to trong dịp Tết, mua nào là rượu cô- nhắc, thuốc xì gà và rất nhiều pháo để vui ba ngày, sau đó đi làm mướn suốt 5 tháng cho mấy chủ tiệm Huê kiều, khiêng vác đồ đạc, hoặc chèo ghe lúa”. (Sơn Nam- Cá tính miền Nam)
Trong thực tế nói năng, từ “xài” không chỉ được giới hạn trong những nét nghĩa mà từ điển giải thích. Chúng ta thử khảo sát một số cách dùng sau:
a. “Loại phảng cổ cong lại không đúng 90 chỉ xài vào công việc thứ yếu như phát cỏ ở bờ mương, phát cỏ vườn, chế đất (phát những cọng cỏ còn sót sau khi cày trục, trước khi cấy), hoặc phát nơi nước sâu”. (Sơn Nam- Cá tính miền Nam)
b. “Vậy là Bê, ngoáy tai lùng bùng mà lội
vào bờ.
Tặng cho bà thuỷ một thằng Tây mà “hai hột cau khô đã chạy lên cổ”. Nên bả không xài. Hai ngày sau bả trả lại. Một thằng Tây to chướng, lình bình.” (Nguyễn Văn Trấn- Chợ Đệm quê tôi)
c. “Tiện thể, tôi ghé hỏi ý kiến mấy anh về cái mô hình kinh doanh cho chợ Long Hoá đó. Tinh thần chỉ đạo là gom hết vô nhà nước, riêng có ba thằng cha lái heo, lái bò đó, mình xài
nó có được không?” (Nhật Tuấn- Mô hình và thực thể)
d. “Lã Thị Kim Oanh lấy danh nghĩa chủ đầu tư, triệt để tận dụng mối quan hệ để huy động vốn từ nhiều nguồn như ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và cả các cá nhân để moi hàng trăm tỉ đồng rồi chi xài vô tội vạ...” ( Tuổi trẻ Chủ nhật số 44- 2003)
e. “Sau khi tính sổ lại, các chuyên gia kinh tế giật mình: có những dự án doanh nghiệp nhà nước vẽ ra trên giấy để nhận vốn ưu đãi đến bây giờ tiền xài gần hết nhưng sản phẩm chưa thấy đâu.” (Tuổi trẻ Chủ nhật số 42- 2003)
f. “Nồi đồng dễ nấu, chồng xấu dễ xài” (Tục ngữ)
g. “Tôi không còn đủ tỉnh táo để nhớ rằng tôi đã bị đánh chết ngất và chở đến nhà thương chợ Quán bao nhiêu lần. Nói thật, đánh ít thì tôi còn biết đau, còn sợ. Nhưng đánh đến mức như tôi đã chịu, tôi biết rằng cơ thể của tôi đã “hết xài” dù có sống sót cũng thành phế nhân. Cho nên, từ đó tôi “coi chết như về...” (Nguyễn Hải Trừng - Thử lửa)
Cách dùng trong ngữ liệu a, b, c đồng nghĩa với từ “dùng”; cách dùng trong ngữ liệu d, e đồng nghĩa với từ “tiêu”. Nhưng còn ở ngữ liệu f và g? Với ngữ liệu f, có thể có người cho rằng đây là câu tục ngữ viết sai vì thường chúng ta hay nghe nói là “Nồi đồng dễ nấu, chồng xấu dễ sai” hoặc “ Củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ sai”. Câu tục ngữ mà chúng tôi đã dẫn là câu tục ngữ Nam bộ [8]. Từ “xài” ở đây rõ ràng không thể hiểu là đồng nghĩa với “dùng”. Chúng ta có thể nói “dùng người”, “xài người” nhưng không thể nói “dùng chồng”, “xài chồng” được. “Dễ xài” trong câu tục ngữ này có nghĩa là dễ sai khiến, đỡ phải vất vả, chiều chuộng. Còn anh chồng đẹp trai đôi khi lại xấu nết, “khó xài”, phải chiều chuộng, cực khổ trăm bề chẳng khác nào như “cái nợ nần”, như “gông đeo cổ”. Câu tục ngữ phản ánh quan niệm của dân gian về sự “đẹp- xấu”, “tốt- xấu” giống như những câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”; “Cái nết đánh chết cái đẹp”; “Đẹp chẳng mài mà uống”; “Đừng ham nón tốt dột mưa, đừng ham người đẹp mà thưa việc làm”... Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, khi người ta nói “Thằng đó hết xài”, “Con nhỏ đó hết xài” thì có ngụ ý đối tượng đó đã hư hỏng hoặc thay đổi tính nết theo chiều hướng xấu, đã đánh mất niềm tin đối với mọi người. Ở ngữ liệu g, “hết xài” ở đây lại có nét nghĩa cơ thể đó đã bị tổn thương, kiệt quệ do sự tra tấn, hành hạ dã man của kẻ địch. Tinh thần, ý chí, nghị lực của người nữ chiến sĩ biệt động thành ấy thật đáng ngợi ca, ngưỡng mộ vì “vàng” đã được “thử lửa”.
3. Từ “xài” mang nhiều nghĩa và có khả năng vận dụng linh hoạt trong những ngữ cảnh khác nhau nhưng không phải vì thế mà ta có thể dùng tuỳ tiện. Báo “An ninh thế giới cuối tháng”, số ra ngày 25-9-03, ở trang 27, có phóng viên viết như sau:
“Trước giờ làm lễ cắt băng khánh thành, lại thấy nhóm ca nhạc do nghệ sĩ Tiến Định đạo diễn dàn dựng xuất hiện. Anh bạn đồng nghiệp đứng cạnh la lên rằng, khổ, mới có ba bốn ngày mà anh em ta liên tục sài một món ăn. Anh đứng bên phải tôi lại nói với giọng hờn dỗi rằng dù sao mình cũng không mang tiếng là người “sài lại”, ý anh muốn nói như vậy là Ban tổ chức sân vận động quốc gia mặc dù đã kí hợp đồng với nhóm ca nhạc này, trả tiền sòng phẳng nhưng làm ăn như thế này thì khác gì sân vận động quốc gia “sài lại” sân Thiên Trường, Nam Định và nhà thi đấu Ninh Bình.”
Trong đoạn văn trên, tác giả đã dùng đến ba lần từ “xài” (đều viết sai chính tả) và cách dùng thứ nhất là cách dùng không chính xác. “Món
ăn” thì không thể “xài” được. “Món ăn” chỉ có thể làm bổ ngữ cho các động từ “dùng”, “tiêu”, “nhai”, “ngậm nuốt”, “tọng”, “thưởng thức”.... Có thể cho rằng “món ăn” ở đây chỉ là một hình ảnh, là cách nói thay cho “chương trình ca nhạc do nghệ sĩ Tiến Định dàn dựng”. Nếu như thế thì cách dùng trên cũng không đúng
vì người “xài” ở đây không phải là các phóng viên mà là Ban tổ chức sân vận động. Xem một bộ phim cũ được chiếu lại trên đài truyền hình; nghe những bài hát xưa trên đài phát thanh.... chúng ta
không thể nói mình “xài lại” được. Người “xài” chính là những người làm chương trình.
Nhà văn Nguyễn Tuân, một bậc thầy về ngôn ngữ, đã tỏ ra thích thú về ngữ nghĩa và khả năng vận dụng linh hoạt của từ “xài”. Điều này được Anh Đức kể lại như sau: “Trước đây chừng ba mươi năm, khi tôi còn ở Hà Nội, một hôm chúng tôi ngồi nói chuyện phiếm tại trụ sở Hội nhà văn, bỗng nhiên câu chuyện dẫn tới chữ nghĩa. Nhà văn T. tuyên bố: “Trong trận địa viết lách, anh nào giàu kho chữ là ăn, anh nào nghèo kho chữ là kể như yếu liền!”
Anh T. là một nhà văn có hạng, vốn rất siêng năng trong việc tìm chữ mới, cất kĩ, thủ kĩ, thậm chí còn không dám hở ra mồm, vì sợ người khác thó mất. Anh thường nói: “Mỗi ngày tôi tìm ra một chữ mới trong nhân dân, hoặc do tôi chế tạo ra”. Bữa đó, anh nói về kho chữ, thì phần đông người ngồi đấy đều cho là phải. Riêng cụ Nguyễn Tuân lặng lẽ ngồi, song sau đó từ tốn nói:
- Có cái vụ đó thật, nghĩa là có anh nó nhiều chữ hơn anh khác. Nhưng không hẳn vì thế mà nó hơn người khác. Vấn đề còn là lèo lái, vấn đề là còn biết “xài chữ”...
Nói tới đó, cụ trỏ vào Đoàn Giỏi và tôi bảo:
- Nầy, xứ Nam bộ của các ông có những từ đắt đỏ lắm đó. Ví dụ như chữ xài tôi vừa mới nói chính là tôi chớp của xứ các ông đấy. Xài, chữ này hay lắm: Tôi vừa xài hết trăm đồng, cái thằng đó xài phá quá, tôi vừa xài cho con mẻ một trận, thằng cha nọ thiệt hết xài, con nhỏ đó coi bảnh vậy chớ bị xài rồi... Đó, ba bốn trường hợp tôi vừa nêu, chữ xài đều được lèo lái khác nhau hết... Vậy cho nên, tôi đề nghị các ông nên chú ý từ địa phương, nhưng dùng từ địa phương phải cho nó nhảy ra khỏi bản địa...”
Trong đoạn trích trên ta thấy cụ Nguyễn Tuân có dùng cụm từ “xài chữ” và đưa ra một số cách dùng của từ “xài” như: “xài cho con mẻ một trận”; “con nhỏ đó coi bảnh chớ bị xài rồi”. Ở cách dùng thứ nhất, “xài” là một từ đồng âm khác nghĩa với từ “xài” mà chúng ta đang xét. Có lẽ cụ Nguyễn Tuân nhầm (hay Anh Đức nhớ không chính xác!) nên dẫn chung ra như thế. Đây là cách nói rút gọn của từ láy “xài xể” (cũng là từ địa phương Nam bộ) với nghĩa là mắng nhiếc, làm nhục, nói nặng lời. Còn ở cách dùng thứ hai, chúng ta thấy từ “xài” trong ngữ cảnh này có nghĩa là người con gái ấy không còn trong trắng hoặc đã có chồng.
Từ “xài” có kết hợp với “từ” hoặc “chữ” không? Các tác giả của quyển “Giáo trình tiếng Việt” cho rằng: “... xét ở góc độ dụng pháp, tất cả các từ địa phương đều có ý nghĩa dụng pháp khác với từ toàn dân về phong cách: xài- Nam bộ (dùng) không thể có cách dùng như “cách xài từ”...” [10]. Chúng tôi cũng đồng tình với ý kiến trên. Nhưng có một thực tế là trong phong cách khẩu ngữ, đôi khi ta bắt gặp các cách kết hợp như thế. Cách dùng của cụ Nguyễn Tuân là một ví dụ. Theo chúng tôi, từ “xài” với nét nghĩa là “tiêu” có thể vận dụng trong nhiều văn bản thuộc các phong cách khác nhau. Nhưng từ này khi xuất hiện với nét nghĩa “dùng” thì chỉ phù hợp với phong cách khẩu ngữ. Những cách dùng như: “xài từ”, “xài chữ”, “xài người”, “xài internet”,... mà ta thấy trên báo chí, thậm chí trong văn bản khoa học là chưa phù hợp về mặt phong cách. Hơn nữa, khác với “dùng”, từ “xài” còn có thêm nét nghĩa hao mòn,
hư hỏng, mất mát đi. Có những cái hao mòn khi dùng như vật dụng. Có những cái càng dùng không những không bị hư hỏng mà lại càng bồi đắp thêm, phong phú hơn như dùng ngôn ngữ, kiến thức. Vì vậy, theo chúng tôi, những cách nói: xài chữ, xài từ, xài kiến thức... chỉ phù hợp khi giao tiếp khẩu ngữ. Trong các văn bản thuộc phong cách gọt giũa, những cách dùng này vừa không phù hợp với phong cách chức năng vừa không đúng về ngữ nghĩa của từ “xài”.
Đại học Cần Thơ: http://se.ctu.edu.vn/bmnv/index.php?option=com_content&view=article&id=139:t-xai-trong-phng-ng-nam-b-1&catid=28:t-vng-hc
No comments:
Post a Comment