Học tiếng Việt miễn phí với người Sài Gòn.

Sunday, November 1, 2015

Những phút xao lòng


                                     Thuận Hữu

Có thể vợ mình xưa cũng có một người yêu
 (Người ấy gọi vợ mình là người yêu cũ)
Cũng như mình thôi, mình ngày xưa cũng thế
Yêu một cô, giờ cô ấy đã lấy chồng

Có thể vợ mình vì những phút mềm lòng
Nên giấu kín những suy tư, không kể về giấc mộng
 Người yêu cũ vợ mình có những điều mình không có được
Cô ấy không nói ra vì sợ mình buồn

Mình cũng có những phút giây cảm thấy xao lòng
Khi gặp người yêu xưa với những điều vợ mình không có được
Nghĩ về cái đã qua nhiều khi nuối tiếc
Mình cũng chẳng nói ra vì sợ vợ buồn


Sau những lần nghĩ đâu đâu mình thương vợ mình hơn
Và cảm thấy mình như người có lỗi
(Chắc vợ mình hiểu điều mình không nói
Cô ấy cũng thương yêu và chăm chút mình hơn)

 Mà có trách chi những phút xao lòng
Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ
Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ
Đừng có trách chi những phút xao lòng

 (Trích trong tập thơ Biển gọi, NXB Đà Nẵng - 2000)

Có lẽ sức truyền cảm của bài thơ chính là cái "giọng". Một giọng điệu tâm tình, rủ rỉ; một lối nói nhiều đồng cảm và chia sẻ với đại từ nhân xưng "mình" thật hợp lí. Ở đó nhà thơ có cơ hội bộc bạch một chút tự vấn, một chút tự thú thật chân thành và tin cậy. Với "Những phút xao lòng" nếu không có lối nói ấy thì dễ sa vào lối tự biện, giáo huấn, sự cảm thông sẽ hạn chế đi nhiều. Viết về những tình huống tình cảm này thật khó, cứ như người làm xiếc đi chênh vênh trên dây.

Cái sự thăng bằng nhất làm điểm tựa chính là nhờ ở cái lối nói hơi "vòng vo" cũng là một đặc trưng đáng yêu của người Việt ngỡ như tưng tửng này lại là một vòng tròn đồng tâm để chạm vào cái lõi hạt nhân cơ bản: "Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ - ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ - Đừng có trách chi những phút xao lòng". Để có được những " đáp án" bất ngờ tâm trạng ấy nhà thơ đã đưa ra nhiều dự đoán: "Có thể vợ mình xưa cũng có một người yêu". "Cách lập trình" như thế là hợp lí bởi tứ của bài thơ chính là sự vận động cảm xúc của tác giả. Ở đây nhà thơ phát hiện thật tinh tế, một sự thú nhận rất hồn nhiên đầy tính thuyết phục: "Người yêu cũ vợ mình có những điều mình không có được" cũng như "Khi gặp người yêu xưa với những điều vợ mình không có được". Đây là một sự thật phổ biến ta đã từng trải qua, đã từng chứng kiến. Vì thế khi đọc "Những phút xao lòng" của nhà thơ Thuận Hữu người đọc dễ được chia sẻ, được cảm thông, được đồng điệu. Đó chính là bí ẩn diệu kì của thơ khó mà "giải mã". Và chính sức lay đọng của thi ca cũng bắt đầu từ tâm hồn của một người đến với mọi người. Những năng lượng tinh thần khi được "giải tỏa" sẽ có sự cộng hưởng bắt đầu từ những vòng sóng giao thoa của "Những phút xao lòng".

Tính nhân văn cao cả của tứ thơ được tập trung cô đọng ở ứng xử bất ngờ mà có sức lan tỏa lay thức: "Sau những lần nghỉ đâu đâu mình thương vợ mình hơn - Và cảm thông mình như người có lỗi - (Chắc vợ mình hiểu điều mình không nói - Cô ấy cũng thương mình và chăm chút mình hơn)". Tôi rất thích cái định tính thời gian: "Những phút" và định lượng của tâm trạng: " Xao lòng". Tất cả đều ở mức độ ở cái "ngưỡng" giới hạn cân bằng vừa phải hợp với cái "tạng" của người viết - một nhà báo tài hoa rất cẩn trọng nhưng cũng có những phút giây thăng hoa thật thi sĩ hết mình.

Cái chất thi sĩ nằm ở phía sau sự xao động của những con chữ thật bình dị mà ấm nóng tình người. Thơ hay cũng bắt đầu từ đó. Ở đây tác giả quên mình đang làm thơ mà chính là đang "nhập" vào thơ và nhờ thơ chuyển tải một thông điệp: Trong cuộc sống không có gì là hoàn hảo, và tình yêu chính là tìm đến cái "nửa" của người kia bù đắp lại cho mình để hoàn thiện mình. Đó cũng chính là qui luật của tạo hóa. Nhà thơ Thuận Hữu  thật có lí khi quan niệm: "Thơ chính là kinh nghiệm sống".

Với "Những phút xao lòng" nhà thơ Thuận Hữu đã đưa đến cho người đọc một sự nhẩn nha "sống chậm thời @" để thanh lọc, để đối diện với mình khao khát sẻ chia. "Những phút xao lòng" chính là cân bằng tĩnh tại tâm thế con người trước một tốc độ đời sống chóng mặt xô bồ như hiện nay...

(Sưu tầm)

...............................................................................................................................................................

Người ta hay ví, tình yêu là “một nửa” của đời mình. Và khi tiến tới hôn nhân, tức là lúc nó đã được thăng hoa, viên mãn, lúc “hai nửa” chung hòa, trùng hợp. Tuy nhiên, một thực tế là, cùng với thời gian, không phải hai nửa ấy cứ mãi tròn trịa, mà không có những vết rạn trước thử thách của đời thường. Vấn đề là phải biết điều chỉnh, thích nghi thế nào để tình yêu, hạnh phúc vượt qua và giữ được  bền chặt. Bằng không, như người ta nói, nặng thì “lành làm gáo, vỡ làm muôi”, nhẹ thì “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Nhưng, ngoài hai trường hợp trên, còn có những vết rạn tình cảm vợ chồng thật mơ hồ, thật khó xác định, mà ở đây, nhà thơ Thuận Hữu (hiện là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) đã gọi bằng cụm từ khá tinh tế “Những phút xao lòng”.

Đây là trạng thái cảm xúc khác với ta xao lòng trước một bông hoa đẹp, một phong cảnh trữ tình. Nói hẳn ra, nó là thứ tình cảm tế nhị, khó nói, nó là mầm mống dự báo một cái gì sắp rạn nứt trong tình cảm vợ chồng. Và như thế, không phải ai, lúc nào cũng có can đảm đối diện.
Kể ra, điều mà Thuận Hữu nói ở đây, không phải là một phát hiện gì mới mẻ. Nó vẫn là chuyện thường tình, như lẽ đời vốn thế. Trong một phút nào đó, người chồng (hoặc vợ) nhớ tới người yêu cũ, như một hoài niệm. Chỉ có điều phút nhớ ấy đi cùng với sự nhận ra những khiếm khuyết của người bạn đời đang sống chung và buộc phải so sánh.
“Người yêu cũ vợ mình có những điều mà chính mình không có được

Mình cũng có những phút giây cảm thấy xao lòng
Khi gặp người yêu xưa với những điều vợ mình không có được”


Phải chăng “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”? Còn khi hai người đã bước vào đời sống vợ chồng, đồng nghĩa với những gì say đắm, thăng hoa mất dần, nhường chỗ cho đời sống cơm áo gạo tiền… Thêm nữa, lúc này do đã quá “hiểu nhau”, nên những khiếm khuyết cũng dễ nhận ra ở nhau. Để rồi từ đó, người ta nuối tiếc. Chuyện ngoại tình bồ bịch, cũng có thể từ đây. Tuy nhiên, xin lưu ý ở bài thơ này của Thuận Hữu, nó đã được “stốp” kịp thời, chỉ dừng lại ở “Những phút xao lòng”. Ở đây, cả người vợ và người chồng, sau phút xao lòng, họ đã biết kìm nén, không nói ra, vì đều sợ người bạn đời sẽ buồn. Đây chính là tầm vượt lên của bài thơ. Thậm chí, cả hai còn cảm thấy:

“Sau những lần nghĩ đến đâu đâu mình thương vợ mình hơn
Và cảm thấy như mình có lỗi

Chắc vợ mình hiểu điều mình không nói
Cô ấy cũng thương yêu và chăm chút mình hơn”


Có lẽ, cái để níu giữ tình yêu lúc này là sự cảm thông, lối ứng xử tế nhị của cả vợ và chồng. Nói khác đi, là tình yêu bây giờ đã được nâng lên một cấp độ cao hơn, ấy là cả hai sống có trách nhiệm, cảm thông, sẻ chia và đầy sự bao dung. Hãy xem tác giả viết:
“Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ
Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ
Đừng trách chi những phút xao lòng!”


Về bài thơ này, sinh thời nhà thơ Xuân Diệu đã hạ một câu, đại ý: Viết như thế là bạo, nhưng thật. Đọc xong bài thơ, ta lại thấy có vẻ như, chính nói thẳng ra như thế, tình yêu lại được bồi đắp, “bảo hiểm” hơn. Và ta hiểu thêm để làm nên và giữ bền một tổ ấm gia đình, chỉ tình yêu thôi, chưa đủ. Nó còn cần có sự cảm thông, sẻ chia của cả “hai nửa” kia của tình yêu. Toàn bộ bài thơ hai mươi câu, thơ chỉ kể hơn là khắc họa hình ảnh. Tuy vậy, bài thơ vẫn được độc giả đón nhận yêu thích, chính là nằm ở chỗ, sự nắm bắt tinh tế, ý tứ sâu sắc, và giọng kể mộc mạc, chân thực. Người đọc không chỉ nhận ra một thông điệp tình yêu, rộng hơn là chuyện đời, với cách ứng xử đầy nhân văn.

Nguyễn Siêu Việt (baohaiduong.vn)


No comments:

Post a Comment

Followers