Học tiếng Việt miễn phí với người Sài Gòn.

Saturday, November 21, 2015

Tiếng lóng Sài Gòn: Dân Sài Gòn còn chơi "mút mùa Lệ Thủy"?

TTO - Có bạn cho rằng "mút mùa Lệ Thủy" (na ná "chơi tới" hiện nay) do nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy nổi tiếng trước và sau 1975 có hơi rất dài, ca một câu dài "mút chỉ đường tàu", "mút chỉ cà tha" (ý nghĩa tương đương). 

"Hết sẩy" (rất tuyệt vời) - nhiều bạn đọc thốt lên khi đọc bài "Người Sài Gòn giờ không thấy xài mấy tiếng lóng này nữa". Và thú vị hơn khi nhiều bạn kể ra hàng loạt tiếng lóng Sài Gòn xưa chưa "đi vùng 5" (chết).
Theo bạn đọc, Dominic On, trước năm 1975, chính quyền VN cộng hòa ở miền Nam chia các khu hành chính quân sự thành 4 vùng chiến thuật, không có vùng 5 nên "đi vùng 5" ám chỉ "đi về miền cực lạc" (chết).
Tiếng lóng này, cũng theo Dominic On, tương đương với từ "ngủm củ tỏi", "đi bán muối" cũng nói một người đã chết, như cá bị ướp muối (!). 
Tuy nhiên, bạn Thanh Minh giải thích do làm muối là diêm dân, đồng âm với "Diêm vương" (người quản lý cõi âm) nên bán muối là đi gặp Diêm vương.


Bạn hongan60 lại cho rằng: Trước năm 1945, thực dân Pháp độc quyền buôn bán muối nên nếu ai vi phạm luật cấm đó sẽ bị xử tử, là "đi bán muối". Bạn suongmai lại bảo do nhiều người đi bán muối xa không về... 
Ai đúng ai sai chưa rõ nhưng chắc chắn tiếng lóng này giờ vẫn còn không ít bạn trẻ Sài Gòn "vẫn xài tốt". 
Thế là một loạt tiếng lóng Sài Gòn xưa nửa thế kỷ đã được kể ra, như có bạn giải thích "mút mùa Lệ Thủy" như "chơi tới" hiện nay do nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy nổi tiếng trước và sau 1975 có hơi rất dài (mà soạn giả Viễn Châu bảo "được báo giới Sài Gòn trước đây phong tặng là giọng ca chuông ngân"), ca một câu dài "mút chỉ đường tàu" (ý nghĩa tương đương) nên mới nói "mút mùa Lệ Thủy" ám chỉ quãng thời gian, quãng đường...  mút cuộn chỉ (ví dụ: "chơi... mút mùa Lệ Thủy" để chỉ những chuyện diễn ra rất dài, dài tới tới...).
Riêng "mút chỉ cà tha" thì hơi phức tạp vì cà tha vốn là từ katha (bùa) của bà con Khmer. Bà con Khmer Nam bộ đeo Cà Tha bằng là những sợi chỉ ngũ sắc do các vị sư sãi chùa Khmer se sẵn thành từng cuộn dài "mút chỉ" tặng vào dịp lễ tết.
Cũng còn không ít người Sài Gòn xài từ "kênh xì po" chỉ thái độ muốn... gây chuyện, do theo bạn Ngốc, vốn xuất phát từ kênh kiệu kiểu dân thể thao (sport - xì po). 
...Và thế là hàng loạt từ Sài Gòn xưa mà theo bạn Ben Pham, không chỉ Sài Gòn mà về miền Tây, nhất là Cà Mau, Bạc Liêu... vẫn nhiều người biết và nói như về xe có xế nổ (xế là xe + nổ = xe máy), xế điếc (xe không nổ =  xe đạp), xế hộp (xe coi như cái hộp = xe hơi).
Về trang sức có "đổng" (đồng hồ); giảng (dây chuyền, ví dụ: "đua giảng" là giựt dây chuyền)...
Về ứng xử có quê xệ (quê quá mức), xí xọn (nhiều chuyện), xảnh xẹ (tương đương "chảnh" hiện nay), quá cỡ thợ mộc (quá mức độ bình thường - ví dụ: "chơi quá cỡ thợ mộc")...
Rồi một từ lóng mà xưa ai nghe cũng xanh mặt: chó lửa (súng ngắn, súng lục - na ná với "hàng nóng" hiện nay). Na ná thôi vì "hàng nóng" hiện nay chỉ súng các loại.
Thật sự thú vị khi có tiếng lóng giờ nói vẫn có người hiểu như bạn Hai Nhách nêu: "ghệ" (con gái, bạn gái), xi cà que (người què, hàng kém chất lượng), xôi (vòng 1 phụ nữ - phải chăng do hình dáng tròn trịa như dĩa xôi)... 
Những tiếng lóng gợi lại cả một thời Sài Gòn chưa xa
Bạn Văn Nhân kể ra một từ lóng có lẽ hiện nay hiếm người trẻ biết: "thím Thang Thang" mà theo bạn, ám chỉ bà Trần Lệ Xuân, vợ cố vấn Ngô Đình Nhu, đệ nhất phu nhân thời "đệ nhất cộng hòa Ngô Đình Diệm" mà theo bạn vì bà Lệ Xuân hay bốc, lên thang trong ăn nói, hành xử.
"Dân chơi cầu Ba Cẳng" cũng vậy, dù cầu Ba Cẳng (quận 6, cây cầu đi bộ bắc qua kênh Hàng Bàng) bây giờ không còn nhưng hình ảnh dân chơi bạt mạng ở một vùng đất lao động nghèo xưa đất Chợ Lớn, "bất cần thân thể" mà ai nghe tới cũng nể mặt - bạn Thành Vị nhắc lại tiếng lóng xưa này như nhắc tới một kỷ niệm một thời mình sống và lớn lên ở khu lao động nghèo này.
Cầu Ba Cẳng những năm 1960 - Ảnh tư liệu
Đó là một trong những khu lao động, sống vật vưởng đầu đường xó chợ, vỉa hè với nhiều người lang thang thất nghiệp mà người dân gọi đó là dân "ma cà bông" (thật ra tiếng lóng này vốn là phiên âm của một từ nước ngoài: vagabond - người lang thang, thất nghiệp, vô gia cư).
Chắc chắn tiếng lóng Sài Gòn còn vô số những từ còn xài hoặc đã thất truyền, kể khó mà xuể - nói như bạn Nguyễn Anh: "Nói tới tết Công Gô - ám chỉ chuyện không bao giờ xảy ra - mới hết".
Quan trọng hơn, những từ lóng không chỉ nói cho vui mà còn ẩn sâu nhiều điều về cuộc sống, quan điểm, thời cuộc... mà khi lần mở lại, chúng ta sẽ hiểu hơn, thấm hơn rất nhiều bất ngờ.

.................................
Nguyễn Tấn Nghĩa 21:50 21/11/2015


Theo tôi, trước 75 miền nam làm ruộng chỉ có 1 hoặc 2 mùa, nên ra giêng là hầu hết ở không, ăn chơi và trò tiêu khiển lúc này thường là xem cải lương, lúc ấy rất nhiều người mê giọng hát Lệ Thủy, nên cứ tối đến là đi, đi xem đến khi đoàn hát Lệ Thủy rút đi mới thôi ( hết mùa hát của Lệ Thủy), và vì vậy nhiều cụ lớn tuổi hay ta thán về con mình nó đi đến mút mùa Lệ Thủy mới thôi là vậy.

...............................

Nguyễn Vọng Cổ 04:46 22/11/2015


Là một người có làm nghề liên quan tới cải lương, tôi không đồng ý với tác giả bài này khi giải thích câu "mút mùa Lệ Thủy" cho rằng: "do nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy nổi tiếng trước và sau 1975 có hơi rất dài, ca một câu dài "mút chỉ đường tàu"..." Xin thưa, nghệ sĩ Lệ Thủy (bây giờ là NSND) chưa bao giờ ca câu vọng cổ nào hơi dài cả! Tôi dám khẳng định điều này, bởi vì tôi và má tôi rất mê giọng hát nghệ sĩ Lệ Thủy nên nhà tôi không thiếu băng đĩa cải lương và vọng cổ có NS Lệ Thủy hát. Tôi đã nghe hầu hết các bài hát và các vở cải lương của NS Lệ Thủy, từ khi cô còn trẻ cho tới bây giờ. Nữ NS Lệ Thủy có làn hơi không dài. Trước năm 1975 không có nữ nghệ sĩ nào ca vọng cổ hơi dài cả. Phong trào ca vọng cổ hơi dài chỉ xuất hiện khoảng những năm đầu thập niên 90 với những giọng nữ như: Phượng Hằng, Linh Huệ, Cẩm Tiên. Tôi là thế hệ 7X, nếu như tôi nhớ không lầm thì câu "mút mùa Lệ Thủy" chỉ xuất hiện khoảng thập niên 80.Như vậy để giải thích cho câu nói "mút mùa Lệ Thủy", theo tôi có hai ý. Thứ nhất là, thời cải lương thịnh hành, người Nam bộ nói chung ai cũng mê cải lương. Vậy nên có rất nhiều trường hợp các chàng trai mê hát cải lương hoặc mê một cô đào hát hay nào đó đã trốn nhà theo đoàn hát cải lương để xin học nghề hoặc làm việc lặt vặt trong đoàn hát, mà đoàn hát thì cứ đi lưu diễn khắp nơi suốt mùa nắng. Thời ấy, nghệ sĩ Lệ Thủy là cô đào chánh quá nổi tiếng bởi có giọng hát rất hay và diễn giỏi nên hầu như ai cũng mê. Mê Lệ Thủy rồi đi theo đoàn hát (đoàn hát có Lệ Thủy) tới "mút mùa" luôn, chẳng thấy về nhà.Ông hàng xóm hỏi: "Thằng Tý nhà đâu mà lóng rày hổng thấy nó hả ông Ba?". Ông Ba trả lời: "Ôi thôi, nó mê con Lệ Thủy, trốn tao theo đoàn hát luôn rồi". Ông Hàng xóm cười: "Cha, thằng này đi mút mùa luôn ta" Ông ba chêm vào: "Ừ, đi mút mùa Lệ Thủy luôn rồi"... Thứ hai là đơn giản thôi, câu nói "mút mùa Lệ Thủy" ra đời vào thời Lệ Thủy nổi tiếng, ai cũng mê và hay nhắc tên cô trong giao tiếp hằng ngày. Cái tên Lệ Thủy trở thành phổ biến, vậy nên khi nói chuyện, trong những từ ngữ hay câu nói vui vui người ta ngẩu nhiên kèm theo cái tên người mình yêu thích, trong trường hợp này là Lệ Thủy. "Mút mùa Lệ Thủy" trong trường hợp này, mút mùa đúng là diễn tả cái dài, xa, lâu... Còn Lệ Thủy chỉ là từ đệm vào cho vui câu.

..............................



Kiến Hòa 02:28 22/11/2015


Tôi là người lớn tuổi, hồi trước sống ở Sài Gòn, sinh viên trường thuốc... rê Gò Vấp (xin đừng lầm với đại học dược khoa, hồi xưa cây thuốc rê được trồng rất nhiều ở Gò Vấp để vấn giấy quyến hút như thuốc lá, giá rất rẻ) nên dù không dùng tiếng lóng nhưng biết khá nhiều về nó. Những tiếng lóng được nêu ở bài viết này đều có trước năm 1975. Dân thầy chú là công an, cảnh sát do người dân lớn tuổi thì xưng hô "thầy", trẻ thì "chú" với họ. Cầu ba cẳng là cây cầu có hình dạng rất kỳ dị mà lại không đi xe được nên những người "12 con giáp không giống con giáp nào" mà lại tỏ ra mình ngon bị chế nhạo là "dân chơi cầu ba cẳng". Hồi xưa cũng có nhạc chế nhưng có lẽ chỉ "trích đoạn" thôi chứ không phang nguyên bài như bây giờ và thường do trẻ con hát. Chẳng hạn :"ai đang đi trên cầu Bông té xuống sông ướt cái quần nylon, dô (vô) đây em dù trời mưa anh vẫn đưa em dìa (về)." Lúc còn nhỏ, tôi thường đi bộ qua vùng cầu Bông, nghe bọn đồng trang lứa hát mãi mà rành sáu câu luôn!

..................................
Phạm Chí Hùng 18:06 21/11/2015
Đọc bài viết này phê quá. haha. úm ba la cà na xí mụi

..............................
hoàng sơn 20:27 21/11/2015
xúi quẩy = xui xẻo , cuốc = đi bộ hoặc xe 2 bánh , bốc nhản = quá thơm ( xuất phát từ dân xì ) , biến = tránh chổ khác , bá chấy = quá hay , hẻo = ế ẩm , bén = sắc sảo , ngộp = chịu không nổi , tưng quá = vui quá , tửng = khùng quá , chè bè = dư thừa , khè = hù dọa , quải = ngán ngẩm , xí muội = dỏm , điếc luôn = không hiểu gì hết , quoắc cần câu = quá say ...Xin được góp thêm một ít từ lóng , mà trên đây là những từ mà người nước ngoài học NÓI tiếng Việt nên biết.

.............................
Hoang Lan 18:17 21/11/2015
Mỗi địa phương đều có những nét độc đáo riêng, và nhiều trong số đó được lưu giữ trong ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày như vậy. Biết để thêm yêu nơi mình sinh ra và lớn lên ^^ "Hết sảy con bà bảy"
...............................
Châu vĩnh An 19:29 21/11/2015
"Xí xọn" là "điệu" mà.
  • người khách quan 22:41 21/11/2015
    Ờ, đúng vậy đó. Tụi tui hồi đó thấy có đứa nào điệu điệu một chút là nói con nhỏ đó xí xọn. Xí xọn không phải là nhiều chuyện đâu. Dù sao cũng cám ơn rất nhiều vì lâu lắm mới thấy, mới nghe lại những từ rất thân quen ngày xưa.


    ..............................
    Phong Vu 22:21 21/11/2015
    "Dân chơi cầu Ba Cẳng" không hẳn là ai nghe tới cũng nể mặt. Nói theo tiếng lóng của Sài Gòn thời Hòn Ngọc tụ tập giang hồ Viễn Đông thì "Dân chơi cầu Ba Cẳng" ngụ ý chỉ dân không học thức ít tiền dám chơi nhưng không dám chịu. Trong đẳng cấp của dân chơi Sài Gòn thời đó, "Dân chơi cầu Ba Cẳng" cỡ thứ 8 Bát Nháo chơi dưới cơ thứ 4 Tứ Chiếng tuy sinh sống bằng nghề dao búa nhưng hào hiệp như đại ca Bang Hội bảo kê buôn bán lớn hay cỡ Ba Cụt Bảy Viễn Đại Thế Giới cờ bạc động gái chính quyền cũng phải ngó lơ. Tứ chiếng hay Tư Búa chỉ dưới cơ Thầy Hai tức quan có học thức nắm quyền sinh sát là phụ mẫu chi dân và Chú Ba tức đại gia nắm điền địa và thương mại. Dân cầu Ba Cẳng nổi tiếng bát nháo vì nhiều lý do như chen nhau lên cầu Khâm Sai (tên chính thức của cầu Ba Cẳng trước khi bị sập và được xây lại) coi cháy nhà làm sập cầu, cộng thêm nhiều dân chơi kiểu Mã Ban và đám du côn chuyên bảo kê bắt chẹt người bán lẻ, tổ chức cờ bạc nhỏ, và dùng cầu Ba Cẳng làm điểm nóng chăn bò lạc (gái ăn sương) để thu tiền ma cô.

    .....................
     19:17 21/11/2015


    To lớn lắm = quá sá quà à sa. Chuyện cũ lắm rồi = năm thìn bão . Mèn đét ơi .....nhiều lắm ...

    ...............................
    ông Ba Saigon 22:09 21/11/2015
    Hình như còn thiếu từ "cù lần". Ví dụ, "thằng ngó bộ gió coi cù lần quá!". Ý là quê mùa, khờ khạo. Theo tui, từ lóng còn được hiểu theo từng địa phương, thành phần. Hôm trước có vài bạn nêu ra vài từ không phải là tiếng lóng mà là phương ngữ.

    .........................
    Sáu Quang 22:00 21/11/2015
    Góp thêm :" Mảnh tầm phò"l tức chủ nhà chứa, chủ động... ".Chắc cà đao" tức vùng sâu vùng xa. "Xịa"từ người miền Nam trước 75 gọi CIA Mỹ hoặc cảnh sát , Hội đồng tỉnh ngày xưa nhiều người gọi mỉa mai là hội đồng Khạp ,còn rất rất nhiều nhưng trong một lúc không nhớ hết.

    .........................
    Phạm Vũ Trân 21:53 21/11/2015

    Cái gì mà nhiều quá thì gọi là "từa lưa", một số người nói thêm là "từa lưa hột dưa". Ví dụ như: "Thằng đó nói cái gì mà từa lưa hột dưa hết" ý là người đấy nói nhiều, lan man, không vô chủ đề.Còn nguồn gốc thì tôi chưa biết.
    .......................
    La Phương Thúy 00:08 22/11/2015
    Tui góp vài tiếng lóng xưa: - Ghệ là con gái do trại từ từ girl, cua ghệ là tán gái - Mậu lúi: hết tiền xuất phát từ tiếng Tàu. - Man: chập, tửng, té giếng: bị tâm thần, khùng. - Bà hỏa viếng : bị cháy nhà.- Phi, Ô, Hít, Choác: các từ chỉ các cách chơi ma túy thuốc phiện- Dân mõi: kẻ móc túi.- Xí xọn: điệu quá mức- Sảnh xẹ: tương tự như từ chảnh ngày nay.- Già dịch: là già mắc dịch không nên nết.- Xồn xồn: tuối trung niên- Xòn xòn: mắn đẻ.- Hippy Ya - ua: chỉ đám trẻ thanh niên hippy ăn mặc dị hợm dơ dáy và bốc mùi chua như ya - ua.- Đá lông nheo: liếc mắt đưa tình.- Ăn cơm hớt: thói hay nói leo- Bị tó : bị bắt- Quê xệ, quê một cục: xấu hổ- Trượt vỏ chuối: Thi rớt- Bị sứa: từ xỉn ngày nay- Cho chó ăn chè: Từ "hò" khi xỉn ngày nay...

    Nguồn: Báo Tuổi Trẻ / http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20151121/dan-sai-gon-con-choi-mut-mua-le-thuy/1004956.html

No comments:

Post a Comment

Followers